Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 01/2021/QĐ-UBND ngày 19/01/2021 về việc Ban hành Quy chế đảm bảo an toàn thông tin mạng trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

Quy chế gồm 3 chương, 24 điều, Quy định về công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Quy chế này áp dụng đối với các sở, ban, ngành, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; các cơ quan Trung ương trên địa bàn tỉnh; Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước tỉnh Hà Tĩnh; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc trong các cơ quan, đơn vị nêu trên.

Đối với các cơ quan nhà nước, cán bộ công chức, viên chức, người lao động cần lưu ý một số nội dung sau:

“ Điều 4 . Bảo vệ thông tin cá nhân

1. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tự bảo vệ thông tin cá nhân của mình và tuân thủ các quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 10; Khoản 1, Khoản 4 Điều 16; Khoản 3 Điều 17; Khoản 1 Điều 18 Luật An toàn thông tin mạng và các văn bản pháp luật có liên quan.

Khi sử dụng, khai thác các hệ thống thông tin của cơ quan, đơn vị và các phần mềm ứng dụng dùng chung của tỉnh, có trách nhiệm:

a) Tự quản lý và chịu trách nhiệm về bảo vệ thông tin cá nhân đã được khai báo trong các hệ thống thông tin; không tiết lộ tài khoản đăng nhập, đấu nối, truy cập trái phép vào các phần mềm dùng chung của tỉnh.

b) Phải thực hiện việc đổi mật khẩu ngay sau khi được cấp tài khoản truy cập vào các phần mềm dùng chung của tỉnh, cơ quan, đơn vị; phải thay đổi mật khẩu tài khoản định kỳ hàng tháng/quý.

c) Khi khai thác, sử dụng các phần mềm dùng chung của tỉnh tại các điểm truy cập Internet công cộng, tuyệt đối không đặt chế độ lưu trữ mật khẩu trong quá trình sử dụng.

2. Các cơ quan, đơn vị, cá nhân khi xử lý thông tin cá nhân phải tuân thủ đầy đủ các nội dung theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5 Điều 16; Khoản 1, Khoản 2 Điều 17; Khoản 3 Điều 18; Điều 19 của Luật an toàn thông tin mạng và các quy định sau:

a) Quản lý và phân quyền truy cập trong các phần mềm ứng dụng, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của người tham gia quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng các phần mềm ứng dụng, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu.

b) Khi cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc hoặc chuyển công tác, các cơ quan, đơn vị phải thực hiện việc thu hồi các thiết bị công nghệ thông tin liên quan; đồng thời phải thông báo ngay bằng văn bản đến cơ quan quản lý, quản trị phần mềm ứng dụng, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu để thực hiện các biện pháp kỹ thuật cập nhật lại, khóa hoặc hủy tài khoản người dùng.

3. Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng theo các nội dung quy định tại Điều 20 của Luật An toàn thông tin mạng.

Điều 5. Quy định bảo vệ hệ thống thông tin

1. Đối với các cơ quan, đơn vị:

a) Trang bị đầy đủ các kiến thức bảo mật cơ bản cho cán bộ, công chức trước khi cho phép truy nhập và sử dụng hệ thống thông tin;

b) Phân công cán bộ, công chức chuyên trách hoặc phụ trách công nghệ thông tin, để quản lý kỹ thuật nghiệp vụ về an toàn thông tin tại đơn vị;

c) Thủ trưởng cơ quan, đơn vị tạo điều kiện để cán bộ, công chức chuyên trách hoặc phụ trách công nghệ thông tin học tập, tiếp thu công nghệ, kiến thức an toàn thông tin;

d) Hàng năm, xác định các nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin hệ thống (mở rộng, nâng cấp trang thiết bị; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức công nghệ thông tin, ...), để đề xuất kinh phí đến cơ quan có thẩm quyền hoặc phân bổ kinh phí duy trì hoạt động hệ thống thông tin hiệu quả;

đ) Khi xây dựng, nâng cấp, mở rộng hệ thống thông tin, các cơ quan, đơn vị phải có phương án đảm bảo an toàn thông tin mạng và phải được Sở Thông tin và Truyền thông có ý kiến trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời cần thực hiện các nội dung sau:

- Phòng đặt thiết bị công nghệ thông tin (đối với các cơ quan, đơn vị đang quản lý, vận hành các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh) phải đảm bảo các điều kiện đáp ứng các yêu cầu cơ bản (được bố trí ở khu vực có điều kiện an ninh đảm bảo; khô ráo, có điều hòa không khí; nguồn cung cấp điện ổn định và có nguồn điện dự phòng; có bình chữa cháy hoặc hệ thống tự động cảnh báo, chữa cháy khẩn cấp; phòng, chống sét; có nội quy, quy trình làm việc trong khu vực an toàn bảo mật). Phải thiết lập cơ chế bảo vệ mạng nội bộ, đảm bảo an toàn thông tin khi có kết nối với mạng ngoài bằng các công cụ, thiết bị bảo vệ (tường lửa, hệ thống chống xâm nhập trái phép, hệ thống giám sát, cảnh báo sớm).

- Hệ thống mạng nội bộ (mạng LAN) của các cơ quan, đơn vị phải được cài đặt hệ thống tường lửa (Firewall) để bảo vệ hệ thống mạng LAN. Các máy chủ, máy trạm, hệ thống lưu trữ nội bộ, thiết bị mạng, mạng không dây (wifi) phải được bảo vệ bởi mật khẩu an toàn. Tất cả các máy tính tại các cơ quan, đơn vị phải được cài đặt các phần mềm bảo vệ, phòng chống vi-rút.

- Các thiết bị công nghệ thông tin dùng để soạn thảo, in ấn văn bản, lưu trữ thông tin bí mật nhà nước trong các cơ quan, đơn vị không được phép kết nối mạng internet, phải được kiểm định và bố trí riêng, tiến hành ở nơi đảm bảo bí mật, an toàn. Trên máy tính này phải thực hiện các chế độ mã hóa, phân quyền và đặt mật khẩu (password) cho người được giao sử dụng để đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin.

- Khi thực hiện di chuyển các trang thiết bị công nghệ thông tin lưu trữ dữ liệu, thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước phải được tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

- Cập nhật kịp thời các bản vá lỗ hổng bảo mật từ nhà cung cấp, nhà sản xuất cho các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu; có cơ chế sao lưu dữ liệu dự phòng, dữ liệu được lưu trữ tại nơi an toàn để sẵn sàng phục hồi cơ sở dữ liệu khi xảy ra sự cố an toàn thông tin mạng.

- Ưu tiên việc đảm bảo an toàn thông tin khi thực hiện thuê dịch vụ công nghệ thông tin.

- Tổ chức phân quyền truy cập cho các đối tượng người dùng tham gia vận hành, khai thác các hệ thống thông tin đúng quy trình, chặt chẽ, gắn với trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân để đảm bảo an toàn thông tin mạng cho các hệ thống thông tin cơ quan, đơn vị đang quản lý, vận hành.

- Các cơ quan, đơn vị, cá nhân tham gia sử dụng mạng chuyên dùng thực hiện nghiêm túc các nội dung về đảm bảo an toàn thông tin mạng trên mạng truyền số liệu chuyên dùng được quy định tại các Điều 11, 13 của Thông tư số 27/2017/TT-BTTTT ngày 20/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về quản lý, vận hành, kết nối, sử dụng và bảo đảm an toàn thông tin trên mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước (sau đây gọi tắt là Thông tư số 27/2017/TT-BTTTT ngày 20/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) và Khoản 5 Điều 1 của Thông tư số 12/2019/TTBTTTT ngày 05/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 27/2017/TT-BTTTT ngày 20/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

e) Quản lý các tài khoản của hệ thống thông tin, tài khoản người dùng bao gồm: Tạo mới, sửa đổi, hủy các tài khoản. Thường xuyên kiểm tra các tài khoản của hệ thống thông tin; triển khai các công cụ để hỗ trợ việc quản lý các tài khoản của hệ thống thông tin;

g) Kiểm soát và theo dõi tất cả các phương pháp truy cập từ xa tới hệ thống thông tin, triển khai nhiều cơ chế giám sát, cam kết từ các truy cập từ xa; phát hiện sớm việc truy cập trái phép vào mạng máy tính hay thiết bị lưu trữ dữ liệu;

h) Thiết lập hệ thống thông tin ghi nhận và lưu vết các sự kiện: Quá trình đăng nhập hệ thống, các thao tác cấu hình hệ thống, quá trình truy xuất hệ thống... Ghi nhận đầy đủ các thông tin trong các bản ghi nhật ký, thời gian lưu trữ các bản ghi nhật ký hệ thống tối thiểu 01 năm;

i) Cập nhật và lưu trữ cấu hình chuẩn các thành phần của hệ thống, trước khi tiến hành cài đặt, thiết lập cấu hình lại hệ thống thông tin, đảm bảo duy trì hoạt động của hệ thống thông tin; kiểm soát quá trình cài đặt trên máy chủ;

k) Cấu hình hệ thống thông tin cung cấp những chức năng cơ bản cho người dùng; thiết lập các chế độ phân quyền truy cập theo chỉ đạo của Thủ trưởng đơn vị;

l) Định kỳ hàng tuần sao lưu (backup) thông tin (không lưu đè thông tin, sao lưu dự phòng các thông tin thay đổi), dữ liệu của đơn vị và lưu trữ thông tin sao lưu ở nơi an toàn theo quy định; thường xuyên kiểm tra thông tin, dữ liệu sao lưu để đảm bảo tính sẵn sàng và toàn vẹn;

m) Sử dụng mật khẩu: Đặt cho tài khoản sử dụng ở dạng phức tạp (mật khẩu bao gồm chữ hoa, chữ thường trong bảng chữ cái, số và các ký tự đặc biệt), độ dài tối thiểu 8 ký tự. Không tiết lộ, chia sẻ mật khẩu cho người khác, khi kết thúc công việc hoặc chuyển giao máy tính cho người khác sử dụng phải thoát khỏi tài khoản người dùng.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin cùng chuyên mục
    IZO
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
    Thống kê: 161.361
    Online: 8