Chùa Côn Sơn nay thuộc xóm Côn Sơn, xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, địa điểm này thuộc các xã Bạch Sơn, Lê Định, Tuần Lễ, tổng Yên Ấp, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh[1]. Di tích nằm dưới chân núi Thiên Nhẫn, cách ngọn Hoàng Tâm – địa điểm chính của thành Lục Niên (di tích khởi nghĩa Lam Sơn). Nơi đây thuộc vào hệ thống di tích, thành lũy khu căn cứ Đỗ Gia của khởi nghĩa Lam Sơn, trên đất Hương Sơn ngày nay. Chùa được xây dựng vào thế kỷ 15. Tương truyền, chùa có tên Côn Sơn là do Nguyễn Trãi đặt cho để tưởng nhớ đến quê hương của ông.
Sau nhiều năm dấy binh khởi nghĩa mà nghĩa quân Lam Sơn chỉ kiểm soát được vùng rừng núi Thanh Hóa. Trước tình hình đó, tướng Nguyễn Chích đã đề nghị chuyển hướng chiến lược vào đất Nghệ An (tức Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay), nơi đất rộng, người dân có truyền thống chống giặc ngoại xâm làm đất đứng chân vững chắc để phản công giải phóng phần còn lại của đất nước. Mảnh đất Đỗ Gia được lựa chọn như là một khu căn cứ địa nhiều đồn bốt, thành lũy bao quanh chốt chặn những mạch máu giao thông thủy, bộ trọng yếu. Lúc đầu mới vào huyện Đỗ Gia, Lê Lợi lấy động Tiên Hoa, nằm sâu trong khu căn cứ làm nơi đặt đại bản doanh và bộ chỉ huy của nghĩa quân. Những năm sau đó, do lực lượng ngày càng lớn mạnh về mọi mặt và đã chiến thắng nhiều cuộc tấn công của quân Minh xuất phát từ thành Nghệ An, Bộ chỉ huy quyết định chuyển đại bản doanh và sở chỉ huy lên thành Lục Niên – nơi địa đầu của căn cứ Đỗ Gia, được đặt trên ngon Hoàng Tâm có sông Lam, sông La và sông Ngàn Phố chắn ở ba phía. Từ đỉnh núi này cũng là điểm cao nhất của thành Lục Niên, xưa kia nghĩa quân có thể quan sát bằng mắt thường thành Nghệ An và hiện nay khi đẹp trời, không có mây mù chúng ta có thể thấy rõ thành phố Vinh (Nghệ An). Điều này cho thấy nghĩa quân lựa chọn địa điểm này để xây thành là có ý đồ; đã có bước chuyển mình rõ rệt chuyển sang thế chủ động phản công thành Nghệ An. Hỗ trợ thành Lục Niên là hệ thống công sự, kho tàng, bến bãi, đường sá vệ tinh mà hiện nay mới chỉ bước đầu khảo sát thực địa trong vòng bán kính 1km của thành đã phát hiện được nhiều di tích như vậy như nền kiến trúc, trong đó có di tích chùa Côn Sơn.
Theo tư liệu điền dã, địa điểm chùa Côn Sơn, xưa kia là nơi cất dấu lương thực, của cải và vũ khí chiến đấu của nghĩa quân Lam Sơn. Sau khi đất nước trở lại thái bình, Nguyễn Trãi đã cho xây dựng chùa Côn Sơn tại đây như một sự đền đáp giành cho nhân dân đã cưu mang, giúp đỡ nghĩa quân trong lúc gian khổ chiến đấu chống quân thù ở mảnh đất này.
Nguyễn Trãi (1380 – 1442), người xã Chi Ngại, huyện Phương Sơn (nay là huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Ông là con trai đầu của Nguyễn Ứng Long[2] và Trần Thị Thái, con gái của Trần Nguyên Đán. Thủa nhỏ, ông được kèm cặp dạy dỗ. Ngày 28 tháng 2 năm Canh Thìn (1400), Hồ Quý Ly lật đổ nhà Trần, lập ra nhà Hồ, lấy quốc hiệu là Đại Ngu. Nguyễn Ứng Long đổi tên là Nguyễn Phi Khanh và ra nhậm chức Đại lý thị lang tòa trung thư, Hàn lâm viện Đại học sĩ, kiêm lĩnh chức Tư nghiệp Quốc tử giám. Cũng vào năm này, nhà Hồ mở khoa thi và Nguyễn Trãi đỗ Thái học sinh (tiến sĩ). Sau đó, ông được giao chức Ngự sử đài chánh chưởng. Khi nhà Minh cho quân xâm lược và thôn tính nước ta, Nguyễn Phi Khanh bị bắt. Theo lời giáo huấn của cha: “Con là người có học, có tài, nên tìm cách rửa nhục cho nước, trả thù cho cha”. Năm 1417, ông đến Lỗi Giang, bên bờ sông Mã tìm Lê Lợi và trao Bình Ngô sách, trong đó có vạch kế hoạch đánh quân Minh, “hiến mưu chước lớn, không nói đến việc đánh thành mà lại nói đến việc đánh vào long người…”[3] Đánh vào lòng người nghĩa là phải đánh dựa vào dân, phải phát huy tinh thần yêu nước, sức mạnh đoàn kết quyết tâm đánh giặc của toàn dân. Đó là tư tưởng lớn vạch ra đường lối chính trị và quân sự nhằm tổ chức một cuộc chiến tranh nhân dân yêu nước chống ngoại xâm. Kể từ đây, ông trở thành một nhà chiến lược quân sự, một nhà ngoại giao địch vận đại tài của nghĩa quân Lam Sơn, góp công lớn giành lại quyền độc lập, chủ quyền và hòa bình cho đất nước. Dưới thời Lê Thái Tông, Nguyễn Trãi được vời ra làm quan giúp triều đình là những năm đắc chí nhất bởi ông đã chứng kiến được một ông vua trẻ nắm lấy quyền hành, thẳng tay trừng trị bọn quyền thần đục khoét nước, hại dân. Chính vì vậy, Nguyễn Trãi cũng là đối tượng bị ám hại trong vụ án Lê Chi Viên.
Chùa Côn Sơn trước đây được thờ Phật. Để tưởng nhớ công ơn của Nguyễn Trãi đối với dân, với nước, sau khi mất, vợ chồng ông được nhân dân tạc tượng thờ trong chùa bên cạnh Phật. Hàng năm đến ngày sóc vọng, lễ tết, Phật đản, nhân dân và những phật tử hành hương đến chùa Côn Sơn thắp hương cầu mong cho quốc thái, dân an, thiên hạ thái bình, thịnh trị.
Chùa Côn Sơn tọa lạc trong một khuôn viên rộng 6548m2, xung quanh có nhiều cây cối, vườn chè bao bọc. Phía sau là đồi núi thoai thoải tạo nên cảnh quan u tịch và thâm nghiêm ở chốn cửa Phật. Nhà chùa có hình chữ Công (工), kiến trúc theo lối nhà kẻ được chia thành 3 gian. Bốn vì được kết nối lại với nhau thông qua các xà dọc tạo nên bộ khung chịu lực cho ngôi chùa. Phía tả hữu có cột quân với các nghé bẩy hiên vươn mình ra xa đỡ lấy mái, làm tăng thêm không gian cho công trình. Mái lợp ngói mũi, xung quanh xây dựng tường bao bọc.
Ngôi chùa cao 3,70m, mặt bằng 32,50m2, được 18 cột trụ tròn đứng trên đá kê chân cột, vuông góc với nền nhà, trong đó có 2 cột quyết trụ vuông, 8 cột quân (cao 2,20m), 6 cột cái (cao 2,80m) và 2 cột trốn. Trên cột quyết ghi đôi câu đối bằng chữ Hán ca ngợi đức từ bi của nhà Phật:
Phiên âm:
Phật hiệu nhất xưng phi nghiệp chướng
Từ bi nhị tự cứu quần sinh
Dịch nghĩa:
Đến với cõi Phật mọi nghiệp chướng sẽ tiêu tan
Bằng hai chữ từ bi cứu vớt chúng sinh
Xét về mặt kiến trúc, đáng chú ý là bộ vì kèo thư ba được tạo tác theo biến thể kiểu chồng rường nhưng không có đấu với những tấm ván dày khoản 0,08m, rộng 0,30m chồng lên nhau lấp đầy vĩ ruồi tạo nên sự vững chãi cho ngôi nhà. Để tạo không gian rộng rãi tiện cho việc hành lễ, vì kèo thứ hai được tạo khác với các vì còn lại. Các cột cái nhường chỗ cho các cột trốn đặt trên đấu vuông thót đáy, được các xà dọc đỡ lấy. Mái chùa lợp ngói mũi đất nung. Kết cấu mái được cấu tao bởi hoành tải, rui mèn.
Về điêu khắc hiện chùa có 8 pho tượng trong đó có 6 pho tượng Phật, 1 pho Nguyễn Trãi, 1 pho Nguyễn Thị Lộ. Tượng Phật mặc áo cà sa, ngồi thiền xếp bằng trên đài sen, khuôn mặt đầy đặn, cân đối, hài hòa được sơn son, thếp vàng đã xỉn màu có giá trị về nghệ thuật và cổ vật, toát lên vẻ từ bi, phổ độ. Tượng Nguyễn Trãi, đầu đội mũ cánh chuồn, hai mặt nhìn về phía trước biểu lộ sự thông minh, uyên bác. Tượng Nguyễn Thị Lộ[4] trông hiền thục, phúc hậu.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học nổi bật như trên, chùa Côn Sơn đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 1592/QĐ/UB-VX, ngày 08 tháng 8 năm 2005./.