1. Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua tư vấn pháp luật:

Tư vấn pháp luật là hình thức trợ giúp pháp lý phổ biến, được áp dụng thường xuyên ở tất cả các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý. Người thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện tư vấn pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý bằng việc hướng dẫn, giải đáp, đưa ra ý kiến, cung cấp thông tin pháp luật, giúp soạn thảo văn bản liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý.

Tư vấn pháp luật có thể được thực hiện thông qua ngôn ngữ giao tiếp hỏi - đáp trực tiếp (tư vấn miệng) hay thông qua giải đáp bằng văn bản. Cho dù được thực hiện dưới hình thức nào, hoạt động tư vấn pháp luật cũng bao gồm các bước sau: tiếp nhận yêu cầu tư vấn - yêu cầu người đề nghị tư vấn cung cấp các văn bản, tài liệu liên quan đến vụ việc cần tư vấn - nghiên cứu tài liệu, tra cứu các văn bản pháp luật liên quan - tư vấn cho người yêu cầu. Trong các bước nêu trên, tư vấn cho người yêu cầu chính là khâu cuối cùng của quá trình tư vấn. Đây cũng chính là giai đoạn người thực hiện trợ giúp pháp lý đồng thời tiến hành việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho người yêu cầu trợ giúp pháp lý bằng việc đưa ra lời giải đáp, lời khuyên, giải pháp, phương án... để trả lời các vấn đề vướng mắc của người đề nghị tư vấn, nêu lên các điều kiện, hoàn cảnh cũng như hậu quả của việc thực hiện các hành vi khi tham gia vào các quan hệ xã hội mà luật pháp cho phép hay ngăn cấm, giúp người yêu cầu tư vấn lựa chọn cách xử sự phù hợp với pháp luật và có lợi nhất cho mình. Dĩ nhiên, không phải đến giai đoạn cuối cùng này của quá trình tư vấn, việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý mới được thực hiện mà ngay từ khi bắt đầu tiếp xúc, người thực hiện trợ giúp pháp lý đã có thể cung cấp thông tin pháp luật, giải đáp pháp luật cho người yêu cầu trợ giúp pháp lý, giúp họ hiểu rõ hơn về các quy định pháp luật có liên quan đến vụ việc (vướng mắc pháp luật) của họ. Thông qua hoạt động tư vấn, phổ biến, giáo dục pháp luật, người được trợ giúp pháp lý nắm vững các quy định của pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật trên cơ sở đó tự giác chấp hành pháp luật và biết vận dụng pháp luật để bảo vệ cho các quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân và gia đình, hình thành lòng tin vào pháp luật và sự công bằng trong xã hội.

Trong quá trình thực hiện tư vấn pháp luật thông qua các hoạt động giao tiếp với đối tượng, nghe, tìm hiểu những thông tin trung thực về vụ việc (vướng mắc pháp luật) hiểu rõ bản chất yêu cầu trợ giúp pháp lý, trên cơ sở đó người thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật có liên quan đến vụ việc được trợ giúp pháp lý, góp phần nâng cao hiểu biết và ý thức pháp luật cho người được tư vấn. Khi tư vấn, người thực hiện trợ giúp pháp lý có thể cung cấp cho người được trợ giúp pháp lý các văn bản pháp luật đã vận dụng trong quá trình tư vấn cùng với giải pháp đưa ra để họ đối chiếu, tham khảo thêm.

2. Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua trợ giúp pháp lý lưu động:

Hiện nay, hệ thống tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm 64 Trung tâm trợ giúp pháp lý ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nhiều Trung tâm đã thành lập được Chi nhánh, Tổ, Điểm, Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý ở cấp huyện và cấp xã. Tuy nhiên, vì nhiều lý do chủ quan, khách quan khác nhau mà không phải mọi đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý khi có vướng mắc pháp luật đều có điều kiện đến trụ sở của tổ chức trợ giúp pháp lý để được giúp đỡ. Chính vì vậy, các Trung tâm trợ giúp pháp lý đã chủ động tìm đến người dân bằng cách tổ chức các đợt trợ giúp pháp lý lưu động về tận làng, xã, thôn, bản, cụm dân cư để giải quyết ngay tại chỗ những vướng mắc pháp luật của người dân.

Trợ giúp pháp lý lưu động được được đánh giá là phương thức trợ giúp pháp lý có hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân ngay tại cơ sở. Ưu điểm nổi bật của trợ giúp pháp lý lưu động là thu hút được nhiều đối tượng tham gia cùng một lúc tại một địa điểm nên bên cạnh việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho từng đối tượng thông qua các vụ việc cụ thể, các Trung tâm đã thực hiện việc phổ biến, giáo dục pháp luật qua hình thức nói chuyện pháp luật, giới thiệu văn bản pháp luật mới cho nhiều người tham dự, phát tờ gấp pháp luật, sách hỏi – đáp về các lĩnh vực pháp luật dân sự, hình sự, hôn nhân – gia đình, khiếu nại – tố cáo, đất đai – nhà ở, chế độ chính sách... để qua đó nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân. Đặc biệt, tại những địa bàn có “điểm nóng” về khiếu kiện thì việc tư vấn, hướng dẫn, giải đáp pháp luật tại chỗ như vậy sẽ giúp “xoa dịu” tình hình, giải tỏa vướng mắc pháp luật của người dân, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự tại địa phương.

Để phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động có hiệu quả, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Phối hợp với chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương (nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, thanh niên) tiến hành khảo sát để nắm bắt nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân ở cơ sở  và xây dựng kế hoạch tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động tại cơ sở;

- Thành lập đoàn trợ giúp pháp lý lưu động trong đó có cán bộ chuyên sâu về một số lĩnh vực mà người dân có nhiều vướng mắc (đất đai, thừa kế, chế độ chính sách đối với người có công);

- Chuẩn bị đầy đủ tài liệu phục vụ cho việc trợ giúp pháp lý và phổ biến, giáo dục pháp luật (văn bản pháp luật để tra cứu trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý, tờ gấp pháp luật, sách hỏi – đáp pháp luật để phát cho người tham dự);

- Trước khi thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động ít nhất 01 tuần cần gửi thông báo xuống UBND xã để thông báo cho người dân đến tham dự;

- Tại buổi trợ giúp pháp lý lưu động, trước khi thực hiện trợ giúp pháp lý đối với từng trường hợp cụ thể, cần dành thời lượng thích hợp (30 – 45 phút) để phổ biến về các quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý, lĩnh vực pháp luật có liên quan đến đời sống hàng ngày của người dân. Cùng với việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho từng trường hợp cụ thể, tùy thuộc vào thành phần tham dự và nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người tham dự hoặc những vướng mắc pháp luật nổi cộm ở cơ sở mà lựa chọn chủ đề phù hợp. Ví dụ: nếu thành phần tham dự chủ yếu là thanh niên, phụ nữ thì phổ biến về Luật hôn nhân và gia đình; nếu địa phương đang nổi cộm về vấn đề thu hồi đất, giải phóng mặt bằng thì phổ biến về Luật đất đai và các văn bản pháp luật có liên quan đến việc bồi thường khi thu hồi đất...

- Đối với những vướng mắc pháp luật mang tính phổ biến, điển hình (có nhiều người cùng hỏi) thì giải đáp chung để mọi người cùng nghe.

3. Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động tham gia tố tụng của trợ giúp viên pháp lý:

Bên cạnh việc tư vấn pháp luật, người thực hiện trợ giúp pháp lý (trợ giúp viên pháp lý, luật sư) còn tham gia tố tụng để đại diện, bào chữa cho người được trợ giúp pháp lý là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong các vụ án hình sự hoặc để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý là người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ án hình sự, dân sự, hành chính. Tham gia tố tụng bao gồm rất nhiều thao tác khác nhau như: gặp gỡ, tiếp xúc với người được trợ giúp pháp lý và gia đình của họ, nghiên cứu hồ sơ tại Tòa án, thu thập chứng cứ, tham gia các buổi hỏi cung, lấy lời khai tại Cơ quan điều tra, Việt kiểm sát (đối với các vụ việc hình sự), tham gia các buổi lấy lời khai, hòa giải tại Tòa án, tham dự phiên tòa...

Trong quá trình tham gia tố tụng, bên cạnh việc sử dụng các biện pháp mà pháp luật tố tụng quy định để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý đồng thời thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý, người đại diện hợp pháp của họ, những người có liên quan và những người tham dự phiên tòa bằng việc hướng dẫn, giải thích cho họ về các quy định pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của bị can, bị cáo, người đại diện hợp pháp, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; trình tự, thủ tục tiến hành tố tụng tại Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án... Việc nắm vững các quy định pháp luật nêu trên sẽ giúp cho bị can, bị cáo và các đương sự khác thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ được pháp luật quy định, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình, tin tưởng vào sự phán quyết của Tòa án.

Trong quá trình tham gia tố tụng, người thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ việc thông qua các hoạt động:

- Gặp gỡ người được trợ giúp pháp lý, gia đình họ và các cơ quan, tổ chức liên quan để tìm hiểu về đặc điểm nhân thân của người được trợ giúp pháp lý, các mối quan hệ của họ với những người xung quanh, các tình tiết liên quan đến vụ việc chưa được thể hiện trong hồ sơ... phục vụ cho việc chuẩn bị luận cứ bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý;

- Truyền đạt đầy đủ và giải thích cặn kẽ các quy định pháp luật về trình tự, thủ tục tố tụng; các quyền và nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý với tư cách là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc đương sự trong vụ án hình sự, dân sự;

- Hướng dẫn, giúp đỡ người được trợ giúp pháp lý làm các thủ tục cần thiết để họ tham gia tố tụng (viết giúp đơn từ, giúp thu thập chứng cứ, tài liệu liên quan để cung cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng...);

- Hướng dẫn người được trợ giúp pháp lý về cách thức làm việc với các cơ quan và người tiến hành tố tụng (tham gia các buổi hỏi cung, hòa giải; cách trình bày và trả lời câu hỏi của đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử, Luật sư tại phiên tòa...)

- Giữ mối liên hệ với người được trợ giúp pháp lý sau khi vụ việc kết thúc để tiếp tục hỗ trợ họ khi cần thiết.

4. Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua việc đại diện ngoài tố tụng:

Việc đại diện ngoài tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý được thực hiện trong trường hợp người được trợ giúp pháp lý không thể tự bảo vệ được các quyền và lợi ích hợp pháp của mình (ví dụ: không biết chữ; không biết tiếng phổ thông; bị hạn chế về thể chất hoặc tâm thần; không có đủ khả năng liên hệ hoặc làm việc với các cơ quan chức năng; bị bệnh nặng đang trong thời gian điều trị; họ đã làm hết khả năng nhưng vụ việc không được giải quyết. Trợ giúp viên pháp lý và các cộng tác viên là luật sư sẽ đại diện cho các đối tượng này để liên hệ, làm việc với các cơ quan, tổ chức có liên quan, nhằm giúp bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho họ. Trong quá trình tiếp xúc, trao đổi với người được trợ giúp pháp lý để thực hiện việc đại diện, người thực hiện trợ giúp pháp lý đồng thời thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý bằng việc hướng dẫn, giải thích cho họ về các quy định pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của họ trong vụ việc liên quan, các trình tự, thủ tục cần thiết để làm việc với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết vụ việc... Chẳng hạn, khi làm đại điện cho đối tượng trợ giúp pháp lý để khiếu nại đối với một quyết định thu hồi đất của UBND huyện, cần giải thích cho họ hiểu về quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, các động tác cần phải làm trong quá trình khiếu nại, thẩm quyền và trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại,... để họ tích cực phối hợp với người thực hiện trợ giúp pháp lý.

Tương tự như việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý trong quá trình tham gia tố tụng, khi làm đại diện ngoài tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý, người đại diện thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các hoạt động:

- Truyền đạt đầy đủ và giải thích cặn kẽ các quy định pháp luật về trình tự, thủ tục giải quyết vụ việc của các cơ quan chức năng, các quyền và nghĩa vụ của đương sự trong vụ việc cần đại diện;

- Giúp người được trợ giúp pháp lý làm các thủ tục cần thiết để liên hệ, làm việc với các cơ quan chức năng (viết giúp đơn từ, giúp thu thập chứng cứ, tài liệu liên quan...);

- Giữ mối liên hệ với người được trợ giúp pháp lý sau khi vụ việc kết thúc để tiếp tục hỗ trợ họ khi cần thiết.

5. Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua việc sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý:

Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý là một hình thức hoạt động trợ giúp pháp lý cộng đồng, được thành lập ở cấp xã. Thành viên của Câu lạc bộ bao gồm đại diện của chính quyền, tư pháp xã, các tổ chức đoàn thể cáp xã, thôn và các hòa giải viên. Mục đích sinh hoạt Câu lạc bộ là để tạo điều kiện cho những người thuộc diện được trợ giúp pháp lý ở địa phương có cơ hội gặp gỡ, trao đổi với nhau về các tình huống pháp luật xảy ra trên thực tế tại địa phương trên cơ sở đối chiếu, vận dụng các quy định của pháp luật để tìm ra cách thức giải quyết đối với từng vụ việc cụ thể. Thông qua đó, người dân có thể tự hòa giải để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp dân sự tại cơ sở, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật trong cộng đồng và giúp người dân thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình. Ngoài việc tư vấn pháp luật đối với vụ việc đơn giản, hòa giải, Câu lạc bộ còn có trách nhiệm đề xuất, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền trong quá trình hoạt động, giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của công dân.

Câu lạc bộ thường sinh hoạt định kỳ mỗi tháng một lần dưới sự hướng dẫn của Trung tâm trợ giúp pháp lý. Chủ đề sinh hoạt của Câu lạc bộ là đánh giá những việc đã làm, xây dựng phương hướng công tác, trao đổi kinh nghiệm, tư vấn, hòa giải các tranh chấp, vướng mắc tại địa phương, các vướng mắc của chính hội viên, tổ chức các lớp học cập nhật các văn bản pháp luật mới, nâng cao hiểu biết và ý thức pháp luật cho cộng đồng.

Nội dung sinh hoạt của Câu lạc bộ thường tập trung vào những vấn đề như: Nghe những thông tin mới về pháp luật, thời sự, thảo luận về các tình huống pháp lý xảy ra thực tế tại cơ sở; khai thác tủ sách pháp luật; tìm hiểu các quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân trong các chế định pháp lý; tìm hiểu về quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan hành chính, của cán bộ công chức, viên chức trong một số lĩnh vực hoạt động; tìm hiểu về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước, quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở; thảo luận, tìm hiểu về các chính sách ưu đãi, miễn giảm nghĩa vụ đối với người nghèo, người có công, người già cô đơn, người dân tộc thiểu số; tìm hiểu các luật tục của địa phương; trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng thực hiện tư vấn pháp luật, hòa giải những tranh chấp ở địa phương...

Với cách thức tổ chức và nội dung sinh hoạt như trên, Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý là một hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả và có chiều sâu. Các hội viên tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ không chỉ tiếp nhận kiến thức pháp luật một chiều mà còn có cơ hội trao đổi, thảo luận, vận dụng chính các quy định pháp luật đã được tìm hiểu để giải quyết các vướng mắc thực tế xảy ra trên địa bàn. Việc sinh hoạt theo định kỳ tạo ra “sân chơi” thường xuyên, ổn định cho người dân tại địa phương trong việc cập nhật kiến thức pháp luật mới, giúp hình thành thói quen “sống và làm việc theo pháp luật” cũng như trau dồi kỹ năng vận dụng pháp luật để tự giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong đời sống hàng ngày tại cộng đồng.

Để việc phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua mô hình Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý được tiếp tục triển khai hiệu quả cần tập trung vào một số vấn đề sau:

- Cần có văn bản hướng dẫn thống nhất việc thành lập Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, cụ thể nên quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền ra quyết định thành lập và ban hành Điều lệ tổ chức, hoạt động của Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý; bố trí địa điểm sinh hoạt và các phương tiện thiết yếu cho Câu lạc bộ;

- Trung tâm trợ giúp pháp lý có trách nhiệm hướng dẫn nghiệp vụ sinh hoạt Câu lạc bộ, thường xuyên tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng tư vấn, hòa giải cho thành viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ, cung cấp tài liệu pháp luật cho Câu lạc bộ.

- Tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý định kỳ hàng tháng với những nội dung thiết thực; kết hợp giữa sinh hoạt đánh giá công tác với sinh hoạt chuyên đề pháp luật (nói chuyện, trao đổi theo chủ đề về các vấn đề pháp luật có liên quan trực tiếp đến các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân tại cơ sở mà người dân thường có nhiều vướng mắc và được nhiều người quan tâm) với việc giải quyết các tình huống cụ thể, nổi cộm tại địa phương.

- Kết hợp hoạt động của Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý với Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm, Câu lạc bộ pháp luật...

6. Tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân nói chung và người nghèo, đối tượng chính sách nói riêng:

Thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý đối với các vụ việc cụ thể, các tổ chức trợ giúp pháp lý đã thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật, hướng dẫn đối tượng xử sự phù hợp với pháp luật trong các quan hệ pháp luật phát sinh. Để nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật cho nhân dân, Cục Trợ giúp pháp lý và các Trung tâm trợ giúp pháp lý đã in ấn trên 60 loại tờ gấp pháp luật với hàng triệu bản và hàng chục cẩm nang pháp luật về các lĩnh vực: hình sự, tố tụng hình sự, khiếu nại, tố cáo; xử phạt vi phạm hành chính; tố tụng hành chính; hôn nhân và gia đình; hộ tịch; công chứng; giám định; đất đai – nhà ở; hợp đồng dân sự; thừa kế; chính sách đối với người có công... để phát miễn phí cho đối tượng trợ giúp pháp lý. Một số Trung tâm trợ giúp pháp lý thuộc các tỉnh miền núi có nhiều đồng bào dân tộc (Lâm Đồng, Gia Lai, Đăk Lăk, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu...) đã tổ chức in ấn, phát hành tờ gấp pháp luật, băng cát sét bằng tiếng dân tộc hoặc nhân bản tờ gấp của Cục để phát rộng rãi cho đồng bào dân tộc. Nhiều địa phương đã đưa chuyên trang, chuyên mục trợ giúp pháp lý lên báo, đài truyền hình địa phương, loa phóng thanh tại thôn, xã, cụm dân cư với thời lượng phát sóng cao vào các giờ cao điểm. Để phổ cập pháp luật cho nhân dân và tạo diễn đàn trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý, được phép của Bộ Văn hóa – Thông tin, Cục Trợ giúp pháp lý đã phát hành hàng ngàn cuốn cẩm nang pháp luật và Đặc san trợ giúp pháp lý (2 tháng/số với 15.000 bản/số) để phát cho cán bộ chủ chốt từ Trung ương đến cấp xã. Đồng thời, các tổ chức trợ giúp pháp lý cũng đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội ở các cấp trong việc phổ biến, giới thiệu về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý cho nhân dân biết và dễ tiếp cận.

Nhìn chung, thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý bằng các hình thức tư vấn pháp luật, hòa giải, đại diện bào chữa, kiến nghị bằng các phương thức và hình thức khác nhau, các tổ chức trợ giúp pháp lý đã thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng, giúp đối tượng nâng cao trình độ hiểu biến và ý thức pháp luật để họ ứng xử phù hợp với pháp luật, thực hiện pháp luật, giải tỏa vướng mắc pháp luật, giảm khiếu kiện vượt cấp, tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời giúp các cơ quan nhà nước, cơ quan tư pháp giải quyết vụ việc một cách chính xác, khách quan, công bằng và kịp thời cho đối tượng, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Theo Trang thông tin về phổ biến giáo dục pháp luật của Bộ tư pháp


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



IZO
Bản đồ hành chính
 Liên kết website
Thống kê: 169.408
Online: 5